Tạp chí Journal of Clinical Lipidology vừa đăng một bài khá hay có tựa “Chế độ ăn Keto không dành cho tất cả mọi người”. Bài báo mô tả đại diện 5 trường hợp sử dụng chế độ ăn Keto này với kết quả là tăng cholesterol xấu – LDL lên gấp đôi, bất kể có bất thường về gen chuyển hóa lipid hay không. Các trường hợp này giảm nhanh LDL khi ngừng Keto.
Hiện nay, ngày càng có nhiều chị em muốn giảm cân dựa theo các chế độ ăn được quảng cáo trên mạng. Nguyên tắc của Preventive Cardiology không cho phép bạn xài xể một chế độ ăn nào, vì đơn giản bệnh nhân phải có mong muốn giảm cân mới tìm đến những hướng dẫn này.
Để hiểu rõ mức độ có lợi và những hạn chế của chế độ ăn này, vui lòng ghi nhớ 8 lưu ý sau đây:
- Chế độ ăn chuẩn Keto là gì?
– Chế độ ăn có phân bố rất ít đường, tăng chất béo để giữ tổng calo tránh cảm giác đói khi giảm cân: đường 5%, đạm 25%, béo 70%.
- Cách nhận biết người ăn Keto chuẩn?
– Họ không ăn bánh mì, cơm, đậu, ngũ cốc, khoai tây, trái cây. Lượng đạm giới hạn 25% nên họ ăn khá ít cá, thịt, gà, trứng, sữa (ăn nhiều mấy cái này không phải Keto).
- Về giảm cân
– Lúc đầu sẽ giảm cân rất nhanh, chủ yếu là do mất nước qua đường tiểu. Tuy nhiên chỉ hiệu quả khi Keto cùng lúc với giảm tổng calo. Ngay cả khi giảm tổng calo, hiệu quả chỉ kéo dài khoảng 6 tháng với người tiểu đường và tối đa 2 năm với người không tiểu đường. Giai đoạn sau, chủ yếu giảm cân là do mất cơ bắp dẫn đến buộc phải tăng đạm nạp vào chấm dứt Keto).
- Về giảm Triglyceride
– Các nghiên cứu cho thấy giảm lượng đường nhập vào thì tỉ lệ với giảm Triglyceride, do vậy ngay cả chế độ ít đường tăng đạm vẫn có thể giảm Triglyceride mà không cần Keto chuẩn.
- Về giảm đường huyết
– Keto hầu như không có tác động đáng kể ở người không tiểu đường (không có bằng chứng giảm nguy cơ tiểu đường). Ở người tiểu đường có ghi nhận giảm HbA1C với biên độ nhỏ, hiệu quả kéo dài không quá 6 tháng.
- Tăng LDL
– Vấn đề ở người ăn Keto là họ ăn chất béo nhiều nhưng thường chọn lầm chất béo bão hòa – loại chất béo nguy hiểm làm tăng LDL. Các nghiên cứu cho thấy ăn Keto lượng LDL sẽ không thay đổi (nếu ăn nhiều chất béo không bão hòa) hoặc tăng nhanh (nếu ăn nhiều chất béo bão hòa và trans fat).
- Thiếu hụt các chất có lợi cho tim mạch
– Việc không ăn các loại đậu, cá, ngũ cốc, trái cây sẽ giảm lượng chất xơ và các chất chống oxy hóa bảo vệ tim mạch.
- Tăng lượng protein từ động vật
– Do mất cơ bắp nên khuynh hướng của Keto sẽ là tăng dần lượng protein, đa số từ động vật. Màn phối hợp giữa protein động vật + chất béo bão hòa sẽ là một bàn thắng tai hại ghi vào lưới hệ tim mạch.
LƯU Ý
Chế độ ăn Keto:
– Có thể mang lợi ích trước mắt nhưng không kéo dài lâu.
– Các nghiên cứu chưa cho thấy kết quả có lợi nhất quán trong thời gian dài. Hiện không được khuyến cáo áp dụng trong các hướng dẫn thực hành của Mỹ và châu Âu.
– TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÀNH CHO: người có tiền căn viêm tụy cấp do tăng Triglyceride, có gen tăng lipid máu gia đình, người đang dùng thuốc SGLT-2. Những người này mà Keto thì có nguy cơ nhiễm toan ceton acid.
– CẦN THẬN TRỌNG HỎI Ý KIẾN BÁC SĨ: Bệnh nhân xơ vữa động mạch, rung nhĩ xài kháng đông, suy tim, bệnh gan thận vì có thể làm mỡ máu rối loạn, thay đổi tác dụng thuốc đang sử dụng.
– NGƯỜI KHÔNG CÓ BỆNH, MUỐN GIẢM CÂN: Tốt nhất vẫn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định tham gia một chế độ ăn giảm cân nào đó.